1. Về Quê Ăn Tết
Hồi nhỏ đâu biết câu về quê ăn tết là gì đâu, cứ nghe người ta nói ở Sài Gòn ngày tết vắng vẻ lắm vì bà con kéo nhau "về quê ăn tết", lúc đó thì mình mới đang học lớp bảy, lớp tám gì gì đó ... nhỏ lớn từ lúc biết Tết chỉ ăn có một chổ là nhà mình thôi, có "quê" đâu mà về .... Cứ nghĩ là "quê" là nơi viết ở chứng minh nhân dân, "quê" là nơi sinh ra ba mẹ mình, "quê" là nơi có bụi chuối, cây cau, "quê" là nơi con nít ở truồng chạy tắm mưa, "quê" là nơi có cái cầu khỉ mà mình hỏng dám đi qua ... "quê" là nơi mà ... mình hỏng có ... tại tết mình đâu có đi về quê ... ... ....
Năm lớp 9 cả nhà lên máy bay đi Mỹ, bắt đầu một cái tết tha hương, tết xa "quê". Năm đó ở nhà cũng làm bánh mứt, cũng có lì xì, cũng ăn bánh tét, còn mình thì tối ngày ở Chùa, tập văn nghệ, hát hò, bán cà phê "thằng Bờm" ACE trong GĐPT lúc này cũng quây quần, áo dài mặt xúng xa xúng xính, năm đó ở chùa tổ chức hội chợ lớn, gian hàng ăn uống, trò chơi đủ thứ ... người Việt ở Hải Ngoại cũng tổ chức nhiều hội chợ, họp mặt để tìm lại một chút không khí Tết ....
Rồi lúc đó mình mới thấm thía chữ "về quê ăn tết" lúc đó mới tưởng tượng phải chi được về coi Bà Ngoại chuẩn bị ngâm đậu, ngâm nếp, mẹ làm mứt, các dì ngồi in bánh, Ôn ngồi chẻ lạt, ngâm cho mềm để chuẩn bị gói bánh, các cậu sơn nhà, dọn dẹp từ trong ra ngoài ...
2. Ký ức tuổi thơ
Hồi xưa, Ôn còn làm nguyên cả con heo ăn tết, cái giò thủ Ôn gói nẹp bằng mấy chiếc đủa lúc cắt ra có hình bông mai năm cánh, hủ thịt heo dầm nước mắm bà ngoại làm lên mùi đậm đà, hủ dưa món làm từ cà rốt và củ cải nhổ dưới vườn lên, rồi đi chạp mộ, dọn dẹp mồ mả sạch sẽ, mỗi lần đi chạp là đi cả ngày, lên Mã Thánh từ sớm, các Cậu thì dãy mả, làm cỏ, mình thì đi theo phơi nắng cộng với ăn ké :), nói chứ lúc đó cũng biết lấy chổi quét dọn sạch sẽ sau khi các cậu dọn hết cỏ dại ... những ngày trước tết lại đi ăn tất niên, nhà nào cũng cúng, cả xóm cả làng cúng, nhà này mời nhà kia, ăn tất niên phải chia ra, ông thì lên nhà bà tám, mụ thì đi qua nhà bà chín v.v... đi cho đều ... nhà nào lúc cúng cũng treo băng pháo Bình Đà, nhà giàu thì treo phông dài dài có thêm mấy viên pháo đại, nhà nghèo thì treo phông ngắn hơn chút nhưng nhà nào cũng có, con nít thì chờ đốt pháo rồi đi lượm mấy viên pháo còn sót lại đốt, không cẩn thận thì cũng bị cháy tay ... hồi nhỏ mình cũng có chơi trò này, nhưng không gan như mấy thằng con trai, mình chỉ dám đốt pháo chuột thôi hà
Rồi mồng một tết, không có quần áo mới thì cũng lựa bộ nào vía nhất, ủi thẳng thớm, bỏ vô túi mấy hột dưa rồi đi về ngoại chúc tết, chúc tết Ôn Ngoại xong thì tót lên chùa sinh hoạt đầu năm với GĐPT rồi đi múa Lân cả ngày, Mồng hai mồng ba gì đó cũng theo anh chị ở GĐPT đi chúc tết, đi chùa, đi hội chợ coi người ta hô lô tô
3. Được về quê ăn tết
Rồi một năm, hai năm, năm năm, mười năm ... năm nào cũng đón tết xa quê, cuối cùng cũng được về quê ăn tết một lần. Lần đầu tiên thấy cây "Mai Vàng" thiệt, lần đầu tiên ngồi gói bánh tét ... (posing để chụp hình thôi)
Về lại không còn Ôn ngồi chẻ lạt nhưng Ngoại vẫn còn mạnh khỏe, còn làm đủ thứ chuyện từ ngâm nếp ngâm gạo, dáo "nhưn" v.v.... lại còn xúm xít con cháu đầy đàng
Chỉ về được vài ngày trước Tết, 30 tết lại vô Sài Gòn để đón tết với bên nhà Ba Cu Cang . Chia ra cho công bằng vậy mà ;-) .
4. Giữ Gìn:
Mỗi năm cả nhà đều nghỉ tết, đi làm thì lấy phép, đi học thì xin phép trường, hình như 20 năm nay chưa bao giờ mình đi làm hay đi học ngày Tết
Mua bông, mua hoa, làm bánh làm mứt
Năm nào cũng chuẩn bị ăn tết rảnh thì làm nhiều chút, bận thì ít lại, 30 thì rước ông bà
Rồi thức chờ đón giao thừa
Sáng mồng một thì Chúc tết, đi chùa, đi múa lân
Rồi lại đi chùa, đi múa lân
Rồi lại hát "anh đến thăm em đêm Ba Mươi"
5. Với niềm hy vọng, ước mơ
Giữ gìn với niềm hy vọng và ước mơ sau này dù Cang và Quân lớn lên, đi học xa, đi làm xa nhưng đến tết vẫn nhớ "Quê" mà về